Dân cư Yên Định

Năm 1996, cả huyện có 173.000 dân, mật độ 824 người/km². Tỷ lệ tăng dân số trong những năm qua khoảng 1,6%. So với toàn tỉnh, mật độ dân số của Yên Định vào loại tương đối cao. Cả huyện có 35.730 hộ gia đình, trong đó có 34.300 hộ nông nghiệp (96%), số còn lại hoạt động thương nghiệp dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và hộ cán bộ công nhân viên chức. Số liệu này đã phản ánh rõ nét về cơ cấu hoạt động kinh tế ở địa phương, cư dân chủ yếu sống bằng nghề nông.

Dân tộc Kinh chiếm hầu hết dân số trong huyện. Ở Yên Lâm có một số gia đình người Mường.

Dân số của Yên Định thuộc loại trẻ. Số người đang độ tuổi lao động chiếm gần 40%, số người hết tuổi lao động độ 8-9%, số người sắp đến tuổi lao động cũng khá lớn; hàng năm có khả năng bổ sung hàng ngàn người, tạo ra sức ép lớn về giải quyết công ăn việc làm và thu nhập kinh tế trong lúc tổng sản phẩm xã hội tăng chậm.

Dân số và lao động ở Yên Định cũng trải qua nhiều sự xáo trộn. Bên cạnh số người rời quê cũ đi xây dựng kinh tế, còn một số lượng đáng kể di chuyển nội vùng hoặc từ nơi khác đến.

Mỗi làng, xóm ở Yên Định có khoảng 1.000 người với chừng 200 hộ, mỗi hộ trung bình có năm người. Năm 1984 mỗi người có khoảng 1.000m2 đất nông nghiệp, tới năm 1997 con số này rút xuống còn khoảng 800m2.

Yên Định là địa bàn con người đến tụ cư từ rất sớm. Họ quây quần, tập hợp nhau theo từng ngõ xóm và liên kết thành làng xã. Khi đã trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở rồi, làng xã lại chia thành nhiều thôn, hoặc xã nhất thôn với mấy xóm lẻ, ngõ ngỏ. Ngoài ra làng xã còn chia thành giáp. Trong đó giáp tập hợp một, hai thôn, hoặc vài dòng họ cùng quy tụ ở một khu vực hoặc địa bàn.

Yên Định có chừng 40 dòng họ đan xen, cư trú ở mọi địa bàn, nhưng họ Lê, họ Nguyễn và họ Trịnh chiếm phần đông. Có lẽ trong quá trình cải biến, sự chuyển đổi dòng họ cũng đã từng diễn ra như một số họ Lý vào thời Trần chuyển sang họ Nguyễn, một số họ Đinh ở Đan Nê được mang quốc tính vào thời Lê. Ngoài các dòng họ kể trên còn có các họ: An, Bùi, Cao, Chu, Doãn, Dương, Đào, Đặng, Đình, Đỗ, Lưu, Ngô, Nhữ, Phạm, Phan, Thiều, Trần, Trương, Văn, Vũ...